Giống cây ăn trái

Trung tâm Nghiên cứu & phát triển cây ôn đới Sa Pa (Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) đã thành công trong việc “Việt hoá” một số giống cây ăn quả ôn đới.

Giống dược liệu Đương quy đang được phục tráng với diện tích 0,5 haĐược thành lập tháng 8/2007, Trung tâm NC&PT cây ôn đới đóng tại thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển một số cây ăn quả ôn đới nhập ngoại và phục tráng giống cây bản địa có giá trị kinh tế, thương mại cao.

Trong tập đoàn cây ăn quả ôn đới được Trung tâm chọn tạo thành công phải kể đến các giống đào: MaRaViHa, Flora prince, ViViAn nguồn gốc từ Mỹ, giống HaKuHo nguồn gốc từ Nhật, giống SunRay, Sun Wright nguồn gốc từ Úc. Qua theo dõi một số năm các giống đào này tỏ ra thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu cận ôn đới ở Sa Pa và nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc có độ cao và điều kiện khí hậu tương ứng, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, chất lượng quả ngon.

 

  • Những giống mận: Fortune, SimKa, BlacKamber nguồn gốc từ Pháp, giống DowWorth, Gulf beauty nguồn gốc từ Úc. Trong đó giống mận SimKa và BlacKamber thể hiện sự thích nghi vượt trội so với những giống mận khác. Đặc biệt giống hồng Fuji nguồn gốc Nhật Bản phát triển tốt, quả ăn giòn, ngọt chất lượng cao. Giống hồng Fuji được Trung tâm đưa trồng ở một số nơi: Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... đã cho kết quả khả quan.
  • Trong số 19 giống lê: Đài Nông, Hoành Sơn, Kim Hoa, Tứ Xuyên, Thương Khê, Hoàng Hoa, Kim Xuyên, Tai Nung, Tai Nung 06... có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan đang được Trung tâm nghiên cứu, chọn tạo thì giống lê Tai Nung 06 đã được Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai khảo nghiệm thành công tại Trại rau quả huyện Bắc Hà.
  • Đây là giống lê năng suất và chất lượng cao đã được trồng ở một số nơi tạo cho người dân nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, để giống lê này trở thành sản phẩm hàng hoá thì cần phải quy hoạch thành vùng SX và đầu tư cao mới có hiệu quả kinh tế.
  • Giống đào Pháp trồng thành công ở Sa Pa, Bắc Hà có ưu điểm vỏ dày, chín sớm, ruột vàng... được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng chưa thể trở thành sản phẩm hàng hoá vì số lượng ít, nhất là người dân chưa tập trung đầu tư chăm sóc.
  • Cho đến nay không còn mấy người nghi ngờ về những giống cây ăn quả ôn đới mà Trung tâm NC&PT cây ôn đới đã nghiên cứu và trồng thành công tại Sa Pa. Một vấn đề đặt ra là những giống cây ăn quả đó bao giờ mới được chuyển giao và cấp chính quyền, cơ quan nào tổ chức trồng rộng rãi trong dân, để người vùng núi cao có thu nhập từ chính vườn cây ăn quả ôn đới đó?
  • Theo ông Trịnh Đức Mậu, PGĐ Trung tâm: Một số giống cây ăn quả ôn đới như mận, lê, đào... đang được Trung tâm tổ chức trồng ở Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang), Sìn Hồ, Tam Đường (Lai Châu) theo dõi sự thích nghi, phát triển như thế nào, để từ đó cung ứng giống cho người dân...
  • Cùng với việc nghiên cứu, chọn tạo tập đoàn cây ăn quả ôn đới, Trung tâm đang phục tráng, duy trì, bảo tồn nguồn gen một số rau, cây ăn quả, cây dược liệu bản địa khu vực núi cao và Sa Pa. Trong đó phải kể đến giống su hào Sa Pa có nguy cơ tuyệt chủng do các giống nhập khẩu từ Trung Quốc tràn sang. Trung tâm phải tìm đến những hộ sống trên các sườn núi cao mà họ đã quen trồng su hào giống bản địa để mang về trồng, chọn lựa tìm ra giống tốt.
  • Cây Đương quy, có nguồn gốc từ Nhật Bản đã du nhập lên Sa Pa từ những năm 60 của thế kỷ trước, đây là giống được liệu quý có nguy cơ mai một và trở thành cây hoang dại mọc ngoài khu vườn của người dân.
  • Từ năm 2011 Cty Traphaco đề nghị Trung tâm phục tráng giống Đương quy và sẽ mua toàn bộ hạt giống để SX. Ngoài ra các giống dược liệu Atisô, Ô đầu (gấu Tàu) Đẳng sâm... đang được Trung tâm phục tráng cùng một số giống cây ăn quả bản địa: Mận Hậu, Mắc cọoc, mận tím Tả Van, lê và đào Sa Pa.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0969237239