Cây trồng chủ lực ở Đác Lắc gặp khó

Đến thời điểm hiện tại, cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực ở Đác Lắc cũng như một số tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, do giá cà-phê liên tục giảm thấp, hiện còn dao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, khiến đời sống của hàng chục nghìn hộ trồng cà-phê gặp nhiều khó khăn.

 

Tnh trạng giá cà-phê liên tục giảm thấp trong những năm gần đây khiến nhiều hộ trồng cà-phê ở Đác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn. Bởi tiền bán cà-phê không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc, thu hái, đặc biệt là trong bối cảnh hàng loạt vật tư thiết yếu đầu vào của ngành cà-phê như điện, xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tám ở thị trấn Ea Pốc (huyện Cư M’gar, Đác Lắc) cho biết, gia đình ông trồng được 1,5 ha cà-phê. Chi phí trung bình một năm cho mỗi ha cà-phê khoảng 40 triệu đồng gồm tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền xăng, dầu, điện bơm nước tưới, chưa kể công chăm sóc, thu hoạch… Tính ra chi phí cho một kg cà-phê nhân khoảng 35.000 đồng, trong khi giá cà-phê hiện nay chỉ dao động trên dưới 30.000 đồng/kg nên người nông dân không còn lãi. Thậm chí, với những vườn cà-phê già cỗi, năng suất thấp thì người nông dân còn lỗ cả chục triệu đồng/ha. “Điều mà chúng tôi lo lắng là qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định trong thời gian tới giá cà-phê chưa có tín hiệu tăng giá trở lại do nguồn cung vẫn dồi dào. Hiện nay, đang vào mùa chăm sóc cà-phê niên vụ 2019-2020 nhưng người dân chúng tôi đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, nếu đầu tư nhiều thì thua lỗ nặng, còn không đầu tư thì vườn cà-phê sẽ hư hại. Qua theo dõi tình hình sản xuất cà-phê ở địa phương hiện nay thì hầu hết người trồng cà-phê đều gặp khó khăn nên họ đã “bỏ đói” vườn cây, chỉ đầu tư cầm chừng để theo dõi giá cả, nếu giá cà-phê tiếp tục giảm sâu thì nhiều người sẽ chặt bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn”, ông Tám buồn rầu nói.

Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chỉ cho biết: Toàn huyện có hơn 37.000 ha cà-phê kinh doanh. Trong những năm gần đây, giá cà-phê biến động mạnh theo hướng bất lợi cho người nông dân, tuy nhiên huyện vẫn quyết tâm vận động người dân giữ ổn định diện tích cà-phê bởi đây là cây trồng chủ lực, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 203.000 ha cà-phê, trong đó có khoảng 190.000 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt từ 2,5 đến 2,7 tấn/ha. Đến thời điểm hiện nay, cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Để giúp người trồng cà-phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngành nông nghiệp tỉnh Đác Lắc một mặt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, Hội Nông dân các cấp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc cà-phê để người nông dân áp dụng vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư. Mặt khác, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân chú trọng trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít, xoài... vào các vườn cà-phê để đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập.

Về lâu dài, tỉnh sẽ không tăng diện tích cà-phê mà chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh tái canh diện tích cà-phê già cỗi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà-phê hiện có; đồng thời tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu cà-phê, giảm bớt khó khăn cho người nông dân để ngành cà-phê của tỉnh phát triển bền vững.

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0969237239